Nông nghiệp thể hiện vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế

Nông nghiệp thể hiện vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế


Quý 3/2021 là quý đầu tiên chứng kiến nền kinh tế cả nước suy giảm mạnh nhất hai thập kỷ qua do tác động của làn sóng Covid-19 lần thứ tư. Trong bối cảnh đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện được vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân cả nước trong giãn cách xã hội mà còn đẩy mạnh xuất khẩu.

Nông nghiệp vẫn vững vàng trong đại dịch
Nông nghiệp vẫn vững vàng trong đại dịch

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng, GDP của ngành nông lâm ngư nghiệp tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế và hiện chiếm tỷ trọng 12,79% trong cơ cấu của toàn nền kinh tế nước ta. Trong đó, GDP lĩnh vực nông nghiệp tăng 3,32%, lâm nghiệp tăng 3,3%; thủy sản tăng 0,66%.

SẢN LƯỢNG NHIỀU LOẠI CÂY TRỒNG TĂNG CAO

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ thời tiết thuận lợi và gieo trồng giống lúa mới cho giá trị kinh tế cao dần thay thế giống lúa truyền thống, nên sản lượng lúa vụ đông xuân năm nay đạt 20,63 triệu tấn, tăng 755,1 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm 2020. Đối với vụ lúa hè thu, nhờ diện tích gieo cấy và năng suất tăng so với vụ hè thu trước nên sản lượng chung toàn vụ đạt 11,03 triệu tấn, tăng 282,7 nghìn tấn.

Tăng trưởng GDP theo từng lĩnh vực
Tăng trưởng GDP theo từng lĩnh vực

Sản lượng thu hoạch nhiều loại cây công nghiệp 9 tháng tăng do thời tiết năm nay thuận lợi, cây trồng không bị hạn hán.

Trong quý 3, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước đạt 65,8 nghìn ha, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 4.643,6 nghìn m3, tăng 2,0%. Tính chung 9 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 176,2 nghìn ha, tăng 2,8 % so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 12.589,2 nghìn m3, tăng 4,3%.Sản lượng thu hoạch các loại cây ăn quả hầu hết đều tăng so với cùng kỳ năm trước: xoài đạt 801,1 nghìn tấn, tăng 6,7%; thanh long đạt 1.030,5 nghìn tấn, tăng 1,7%; cam đạt 689,7 nghìn tấn, tăng 3,8%; bưởi đạt 511,3 nghìn tấn, tăng 6,1%; chuối đạt 1.779,2 nghìn tấn, tăng 2,6%; nhãn đạt 544,4 nghìn tấn, tăng 7,8%.

PHẤN ĐẤU TĂNG TRƯỞNG QUÝ 4 ĐẠT 3,2%

Sản lượng thủy sản thu hoạch trong quý 3 ước tính đạt 2.281,4 nghìn tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng, sản lượng thủy sản đạt 6.377,3 nghìn tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: cá đạt 4.612,5 nghìn tấn, giảm 1,2%; tôm đạt 810 nghìn tấn, tăng 3,4%; thủy sản khác đạt 954,8 nghìn tấn, tăng 1,5%.

Tính chung 9 tháng, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 3.320,1 nghìn tấn, giảm 1,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: cá đạt 2.224,1 nghìn tấn, giảm 3,1%; tôm đạt 699,8 nghìn tấn, tăng 4,3%; thủy sản khác đạt 396,2 nghìn tấn, tăng 1,9%.

Giá cá tra liên tục ở mức thấp kể từ cuối năm 2019 đến nay, dao động khoảng 20-22 nghìn đồng/kg khiến nông dân giảm quy mô nuôi. Việc thực hiện giãn cách xã hội gây trở ngại cho sản xuất, các doanh nghiệp chế biến cá tra dừng hoặc giảm công suất hoạt động, do đó sản lượng cá tra giảm mạnh. Sản lượng cá tra 9 tháng ước tính đạt 987,4 nghìn tấn, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước (quý 3 đạt 315,3 nghìn tấn, giảm 19,8%).

Sản lượng thu hoạch tôm nuôi giảm mạnh trong quý chủ yếu do các nhà máy chế biến giảm thu mua tôm, tạm ngưng hoạt động, giảm công suất hoặc khó khăn trong thu mua. Lũy kế 9 tháng, sản lượng tôm sú đạt 196,6 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 462,2 nghìn tấn, tăng 5,5%.

Quý 4 là giai đoạn khôi phục sản xuất, chế biến và thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản nước rút cuối năm, ngành nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng trong quý 3,2-3,3% để đưa tăng trưởng cả năm đạt 2,9-3%.

Từ đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu phấn đấu năm 2021 tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3 – 3,2%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng từ 3,2 – 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm đạt khoảng 45 tỷ USD…

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định do đặc thù của sản xuất nông lâm ngư nghiệp thường theo mùa vụ, thời gian trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mỗi vụ từ 3 đến 6 tháng (tùy thuộc đối tượng nuôi trồng) nên khâu sản xuất suy giảm ít trong quý 3 vừa qua. Tuy nhiên, ảnh hưởng thiệt hại trong thời gian giãn cách xã hội chủ yếu tác động lên các khâu chế biến và tiêu thụ nông sản.

Để đạt được các mục tiêu cả năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Từng ngành hàng sẽ phải điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Theo: Vneconomy




0832 66 67 68