Trà Lâm Đồng trong văn hóa Chè Việt

Trà Lâm Đồng trong văn hóa Chè Việt


Lâm Đồng có diện tích trồng trà lớn nhất Việt Nam, với 23.876 ha chè, trong đó có 22.920 ha đang kinh doanh với năng suất chè búp tươi đạt bình quân khoảng 85 tạ/ha, sản lượng thu hoạch đạt trên dưới 192.806 tấn/năm (năm 2010). Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thụ đã khẳng định: Với bề dày truyền thống sản xuất và chế biến chè hơn 80 năm, cùng với những chính sách đầu tư gìn giữ và phát triển vùng chè truyền thống, Trà Lâm Đồng đã góp phần quan trọng trong việc hình thành sản phẩm văn hóa chè Việt.

 

Lịch sử vùng trà Lâm Đồng

Trước năm 1975: Cây trà xuất hiện đầu tiên ở Lâm Đồng vào năm 1927 tại Cầu Đất (Đà Lạt), sau đó theo quá trình hình thành và phát triển, cây trà có mặt tại Di Linh và Bảo Lộc sau năm 1930, khi thực dân Pháp đã cơ bản hoàn thành con đường QL 20 từ Đà Lạt đi Sài Gòn. Cây trà là một trong những loại cây công nghiệp xuất hiện sớm nhất ở vùng đất B’lao và khẳng định được vị trí chủ đạo của mình ở vùng đất này, bắt đầu từ những đồn điền của người Pháp như: Felit B’lao, B’lao Sierré…

“Chè B’lao” chỉ xuất hiện sau này, vào thập niên 70 và 80 của thế kỉ trước, khi các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào việc kinh doanh trà, nhằm để phân biệt với chè ở “Đàng ngoài”. Việc phân biệt này hình thành do phương thức chế biến cũng như hương vị của chè ở hai vùng “Đàng trong” và “Đàng ngoài” có sự khác biệt. Chỉ cần nhìn tên sản phẩm người tiêu dùng đã có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp với “Gu” thưởng thức. Người bán trà cũng dễ bán hơn. Thời đó các doanh nghiệp đều chọn chung ngôn từ như vậy. Sau này khi kinh tế mở cửa, các doanh nghiệp cũng được tiếp cận với Marketing hiện đại, thì việc định vị sản phẩm của các doanh nghiệp cũng rõ ràng hơn, và ngôn từ “ Chè B’Lao” cũng dần mất hẳn trong cách gọi và bao bì sản phẩm.

Vào những năm của thập niên 80: Cây chè đã được giâm và trồng trọt trên những mảnh đất được tự người nông dân khai phá. Giống chè cũng như kĩ thuật trồng trọt chủ yếu thông qua phương thức truyền đạt kinh nghiệm của những người đã từng làm việc cho các đồn điền Trà của Pháp, phương thức gây giống khá đơn giản, chủ yếu lấy quả của các cây trà rồi ươm hạt nảy mầm.

Thập niên 90: Cây chè được phát triển rộng rãi trên một vùng cao nguyên Bảo Lộc, tuy nhiên phương pháp gây giống và kĩ thuật trồng trọt vẫn chưa được cải thiện, cây trà được lai giống đến thế hệ F2 đã có sức chống chọi bệnh tật và năng suất yếu hơn hẳn. Phương thức đốn hạ cũng là nguyên nhân gây giảm năng suất của cây trà.

Vào những năm cuối thập niên 90: Lúc này tại Lâm Đồng đã xuất hiện thêm một giống chè mới, gọi là “chè cành”. Đây là một giống chè mới, tiên tiến nhưng ngược lại kĩ thuật trồng và điều kiện chăm sóc lại đòi hỏi quá nhiều công sức và tiền bạc, nên chỉ một số ít nông dân trồng loại chè này mặc dù loại chè này cho năng suất cao hơn hẳn. Người nông dân trên vùng cao nguyên và các vùng lân cận chưa tiếp nhận giống cây trồng này một cách rộng rãi do 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất là sự hỗ trợ và tuyên truyền chưa mạnh mẽ của các cơ quan khuyến nông. Thứ hai là tư duy chậm thay đổi của nông dân và thứ ba là chi phí đầu tư khá cao.

Từ năm 2000 cho đến nay: Việc nhân rộng trồng các giống trà Oolong từ Đài Loan, Trung Quốc… ngành trà Lâm Đồng đã, đang có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho nhân dân địa phương.

 

Thương hiệu Chè Việt – nền tảng từ chè Lâm Đồng

Theo số liệu của Hiệp hội Chè Việt Nam, hiện cả nước có 125.000ha chè. Trong diện tích này, cây chè Lâm Đồng chiếm khoảng 21% (26.000ha). Với năng suất trên 70 tạ/ha, mỗi năm Lâm Đồng đạt sản luợng khoảng 162.000 tấn chè búp tươi, chiếm gần 27% sản lượng chè cả nước; Thu nhập trên mỗi hecta chè Lâm Đồng đạt cao nhất nước – trên 280 triệu đồng/năm/ha; đứng đầu về giá xuất khẩu. Hằng năm, trong số các doanh nghiệp có khối lượng chè xuất khẩu từ 50 tấn trở lên, doanh nghiệp đạt giá cao nhất thuộc về Lâm Đồng. Lâm Đồng cũng là tỉnh có doanh nghiệp đầu tiên áp dụng công nghệ sinh học để làm ra sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; Mô hình “Du lịch sinh thái chè” đầu tiên xuất hiện và sẽ phát triển bền vững trên đất Lâm Đồng; tiệm uống trà lớn nhất Việt Nam cũng nằm trên đất Lâm Đồng; Lâm Đồng là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức Lễ hội Văn hóa Trà…

Theo các tài liệu lịch sử thì sản phẩm trà Việt ngay từ những năm đầu thế kỷ 20 đã có mặt ở thị trường châu Âu dưới nhãn mác, bao bì của các cơ sở trồng, chế biến và xuất khẩu của người Pháp. Đến lúc này, sản phẩm trà Việt Nam đã được xuất sang 107 thị trường trên thế giới, trong đó có 68 trong tổng số 150 thị trường thuộc các quốc gia thành viên của WTO – một kết quả mà không phải bất kỳ nước nào cũng đạt được, kể cả các nước thuộc thành viên WTO. Điều đáng nói nữa là, vừa qua, được sự cho phép của Chính phủ, Hiệp hội Chè Việt Nam đã chủ trì chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia chè Việt Nam. Đó là về đối ngoại, còn ở trong nước, chè Việt hiện đã có được logo của riêng mình. Cụ thể, logo “CheViet” đã được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp giấy chứng nhận với chủ sở hữu là Hiệp hội Chè Việt Nam; được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; và Hiệp hội Chè Việt Nam đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “CheViet” trực tiếp và cả đăng ký theo Thỏa ước Madrit với 73 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhờ đó, logo “CheViet” đã và đang được quảng bá ở nhiều quốc gia như Anh, Đức, Belarus, Hoa Kỳ, Dubai, Úc, Thái Lan, Ucraina, Nga, Trung Quốc…Trong lộ trình xây dựng thương hiệu chè Việt, một trong những nền tảng căn bản nhất để các cơ quan chức năng làm cơ sở đó là nền tảng từ những cái nhất của cây chè Lâm Đồng.

 

Theo nguồn: VCCINews.vn




(+84) 0832 66 67 68