Gạo Việt Nam thẳng tiến vào châu Âu (11/9/2020)

Gạo Việt Nam thẳng tiến vào châu Âu (11/9/2020)


Liên minh châu Âu (EU) dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm nếu Việt Nam thực hiện tốt các quy định của EU.

Trong 30 năm qua, ngành hàng lúa gạo của Việt Nam (VN) đã có bước phát triển rất mạnh mẽ. Bằng chứng rõ nhất là giá trị gạo Việt tăng lên nhanh chóng, nhiều thời điểm đã vượt qua giá bán của gạo Thái Lan, nước mấy chục năm qua đứng đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng này.

Chinh phục khách hàng khó tính

Những lô gạo đầu tiên của VN được miễn thuế đã lên đường sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, nhìn nhận gạo Việt có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Bằng chứng là năm ngoái, lượng gạo của VN xuất khẩu vào EU đạt hơn 50.000 tấn gạo với giá trị 28,5 triệu euro. Trong khi đó, tổng nhập khẩu gạo của thị trường này là 2,3 triệu tấn, kim ngạch 1,4 tỉ euro.

“Theo Hiệp định Thương mại tự do VN-EU (EVFTA), EU dành cho VN hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm, gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này giúp nước ta có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hằng năm” – ông Cường thông tin.

Đặc biệt, hiện nay diện tích gieo cấy lúa thơm tại đồng bằng sông Cửu Long hằng năm đạt khoảng 1 triệu ha với sản lượng 5,5 triệu tấn, tương đương 3,5 triệu tấn gạo thơm. Như vậy, nếu thực hiện tốt các quy định của EU và xuất khẩu được 30.000 tấn gạo thơm nói riêng và 80.000 tấn gạo nói chung theo hạn ngạch sang EU với giá bán cao sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo của nước ta.

“Điều này cũng khẳng định được thương hiệu gạo VN trên thị trường khó tính như EU nói riêng và trên thế giới nói chung. Đây còn là cơ sở cho việc đàm phán mở rộng hạn ngạch xuất khẩu gạo thơm vào thị trường EU trong thời gian tiếp theo” – Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.

Gạo Việt Nam thẳng tiến vào châu Âu - ảnh 1
Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Trong ảnh: Sản xuất lúa hữu cơ ở Thừa Thiên-Huế (ảnh lớn) và đóng gói gạo để xuất khẩu tại một công ty.

Ảnh: ANH THƠ – QUANG HUY

Xây dựng thương hiệu, đáp ứng nhiều phân khúc

Một trong những yếu tố góp phần khẳng định thương hiệu, giá trị gạo VN trên thị trường quốc tế thời gian qua là vấn đề chất lượng. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT cho biết trong tháng 8 vừa qua, giá gạo xuất khẩu của nước ta tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Có thời điểm giá gạo xuất khẩu nước ta vượt giá gạo xuất khẩu của Thái Lan.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá trong tái cơ cấu nông nghiệp, ngành hàng lúa gạo là một trong những ngành hàng thành công trong những năm vừa qua. Nếu như cách đây hàng chục năm mới có khoảng 35%-40% các giống lúa chất lượng thì đến nay đã đạt con số 75%-80%, thậm chí nhiều địa phương đạt đến 90% diện tích trồng lúa chất lượng.

Hạt gạo mang về hơn 2,2 tỉ USD

Tính từ đầu năm đến hết tháng 8, khối lượng gạo xuất khẩu của VN đã đạt 4,5 triệu tấn, trị giá 2,2 tỉ USD. Con số này giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Nửa đầu tháng 8, loại gạo 5% tấm của VN được giao dịch ở mức 493-497 USD/tấn. Giá này cao hơn khoảng 20 USD/tấn so với gạo Thái Lan. 

“Điều đó thể hiện qua giá trị của gạo VN xuất khẩu tăng lên rất nhanh. Trong năm 2020 này, nhiều lúc gạo VN đã vượt qua giá bán của gạo Thái Lan trên thị trường xuất khẩu. Đây là tín hiệu rất mừng” – Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh tiết lộ trong những năm vừa qua, VN có thêm nhiều bộ giống lúa phong phú. Đặc biệt là các giống lúa đặc sản như ST24, ST25 và một số giống lúa khác. Những giống lúa này đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của thị trường khó tính.

Bàn về xây dựng thương hiệu gạo VN trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh chiến lược ngành hàng lúa gạo vẫn phải đảm bảo năng suất lúa, đồng thời nâng cao giá trị, chất lượng gạo để có giá bán cao hơn. Cạnh đó, phải giảm chi phí sản xuất để nông dân có thu nhập cao hơn.

“Chúng ta rất mừng hiện nay có nhiều loại gạo khác nhau để phù hợp với nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Có những nơi có nhu cầu nhập gạo chế biến như gạo IR50404, mặc dù chất lượng không cao nhưng chế biến ra bánh, bún và các sản phẩm khác rất tốt. Chúng ta có những sản phẩm gạo hạt dài, gạo chất lượng cao và đây là phân khúc rất lớn của thị trường. Thứ ba là giống gạo thơm, phân khúc cho thị trường đặc biệt” – thứ trưởng Bộ NN&PTNT dẫn chứng.

“Gạo của Việt Nam rất an toàn”

Liên quan đến phát ngôn của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, tại một buổi tọa đàm rằng “90% người Việt Nam ăn gạo bẩn”, nhiều ý kiến khẳng định thông tin này là thiếu chính xác và thiếu cơ sở khoa học.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, khẳng định mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Thị trường nhập khẩu nào dù là cao cấp hay trung cấp thì những yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đều phải đáp ứng. “Khi họ kiểm tra đạt chất lượng an toàn thực phẩm thì họ mới nhập khẩu, nếu sản phẩm có vấn đề làm sao họ chấp nhận” – ông Cường đặt vấn đề.

Do đó, cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh khi có những nhận định về một ngành sản xuất quan trọng với nông dân thì cần có những căn cứ, số liệu chính xác, khoa học, không nên có những nhận xét cảm tính.

Đồng tình, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), khẳng định hiện nay người dân đã không còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. “Hằng năm cục có chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên gạo. Ví dụ, năm 2018 giám sát 48 mẫu thì 59% có mức dư lượng nhưng thấp dưới ngưỡng quy định, không có vấn đề gì; 41% số mẫu còn lại không phát hiện thấy. Có thể hiểu gạo của mình rất an toàn” – ông Trung thông tin.

Ông Trung cũng cho biết năm ngoái có 1.019 lô gạo xuất khẩu sang EU, tổng lượng 52.000 tấn nhưng chỉ có ba lô vi phạm mức độ an toàn thực phẩm cũng như kiểm dịch thực vật. Từ đầu năm 2020 đến nay chưa có vấn đề gì xảy ra.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, phân trần: “Tôi nói theo cách nói của ngành gạo, tức là gạo đạt tiêu chuẩn VietGAP,GlobalG.A.P. trở lên là “gạo sạch”, còn gạo không đạt các tiêu chuẩn trên trở lên là gạo “bẩn”. Gạo còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong gạo là gạo bẩn nhưng không phải là gạo dơ bẩn”.

Ông Bình cho rằng mục đích khi nói như vậy để cảnh báo người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm hằng ngày sao cho thông minh. “Báo đã cắt khúc để gây sốc cộng đồng mạng và quy tội cho tôi” – ông Bình cho hay. 

 Theo Báo Pháp Luật



(+84) 832 66 67 68